Posted by: tamducphuocninh | February 20, 2009

Hải Vân Sơn-Liên Hoa Tự

LIÊN HOA TỰ

MỘT SỰ KẾT HỢP HÀI HOÀ GIỮA KIẾN TRÚC CHÙA BẮC VÀ TRUNG

Từ Huế vào Đà Nẵng, vừa ra khỏi hầm Hải Vân, nhìn về phía tay trái chúng ta sẽ thấy một ngôi chùa nhỏ nằm trên sườn núi giữa bốn bề cây cỏ trùng điệp. Chùa có màu vàng nhạt, nhẹ nhàng thanh thoát nổi lên giữa lưng chừng xanh biết của mây trời Hải Vân. Một ngôi chùa nhỏ chỉ mới mọc lên cách đây không lâu, rất nhiều người ngạc nhiên khi nhìn thấy nó, vì nó hơi mới lạ đối với những người thỉnh thoảng đi ngang qua đây. Đó là chùa Liên Hoa.

Chùa được xây dựng vào khoảng cuối năm 2003, tuy mới xây nhưng hiện tại đang được trùng tu và gần như sắp hoàn thành. Lịch sử và kiến trúc của ngôi chùa này là một điều khá thú vị cho những ai đã từng đặt chân đến đó. Ngôi chùa ra đời trên cơ sở mục đích làm mô hình văn hoá nhà Chùa trong khuôn viên khu Du lịch Suối Lương, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nguyên ngôi chùa là một khối kiến trúc cổ bằng gỗ được chuyển từ miền Bắc vào mà trước đó, nó đã tồn tại hơn 100 năm trên đất Hà Tây. Chùa được dựng lại trên một dốc sườn ở phía Nam ngọn Hải Vân sơn, cách miệng hầm Hải Vân khoảng 1km đường chim bay. Phong cảnh nơi đây khá hữu tình, phía trước là con suối Lương thơ mộng, đằng sau là đỉnh Hải Vân sừng sững một màu xanh hùng vĩ quyện trong khói mây của đất trời. Chùa tuy nhỏ, nhưng nhìn từ xa vẫn thấy được phong thái của ngôi chùa cổ.

Nhân duyên hội ngộ, sau khi xây cất xong, Ban Giám đốc khu Du lịch Suối Lương có nhã ý thỉnh Bổn sư của chúng tôi là Cố Thượng toạ thượng Từ hạ Tâm – Giám tự chùa Diệu Pháp, đường Hoàng Diệu, phường Bình Thuận, quận Hải Châu, thành phố Đà nẵng – lên đó để hướng dẫn đời sống tâm linh cho du khách Phật tử Thập phương và phát triển ngôi Tam bảo ở đây. Mọi chuyện chỉ mới trong giai đoạn xuất phát thì không may Thầy của chúng tôi lâm trọng bệnh và viên tịch vào cuối năm 2006, để lại kế hoạch phát triển ngôi chùa trong dang dở. Năm 2007, Đại đức Thích Phước Hoàng – một trong những vị đệ tử của Thầy chúng tôi – đã thay Thầy tiếp tục kế hoạch đó. Hiện tại chùa đang được tu bổ và xây dựng thêm một vài công trình mới. Tuy khả năng tài chính không có bao nhiêu, nhưng thầy Phước Hoàng đang cố gắng để thực hiện một phần tâm huyết mà Thầy của chúng tôi để lại.

Lý do chùa mới dựng nhưng đã phải tu bổ là vì nguyên thuỷ vốn nó đã quá cũ, rất nhiều chi tiết trong hệ thống kèo cột bằng gỗ đã hỏng nặng. Thêm vào đó, khi mới chuyển vào đây, những người thợ xây dựng ở Đà Nẵng do không am hiểm về kiến trúc chùa cổ ở miền Bắc, đã ráp sai vị trí các chi tiết và hướng dựng trong hệ thống kiến trúc của chùa, nên ngôi chùa đã bị biến dạng rất nhiều so với nguyên thuỷ. Cuối năm 2007, chùa được sửa chữa lại bởi các thợ mộc nhà rường và thợ kép xây dựng ở Huế. Do vậy, chùa Liên Hoa có một dáng vẻ kiến trúc rất độc đáo, sự kết hợp hài hoà giữa nét kiến trúc chùa cổ miền Bắc và phong cách cung đình của chùa Huế đã tạo cho Liên Hoa vừa mới lạ lại vừa cổ kính thân quen. Bởi lẽ nguyên bộ sườn bằng gỗ và hệ thống tượng thờ phụng ở bên trong nội điện được giữ lại nguyên vẹn; còn bên ngoài tuy đơn giản nhưng hệ thống mái lớp, môtíp hoa văn trang trí, các chi tiết điêu khắc, hoành đối được thể hiện theo kiểu chùa Huế. Có thể khái quát kiến trúc của chùa thành mô hình kiến trúc trong Bắc ngoài Huế với bố cục gọn gàng sinh động, rất riêng và rất lạ.

Về kiến trúc tổng thể, chùa được xây dựng theo kiểu chữ tam (三), gồm 3 gian chính: tiền đường, chánh điện và hậu tổ. Toàn bộ lớp tường bọc bên ngoài được xây bằng bê tông cốt thép; còn bên trong là một khối nhà gỗ liên kết liền nhau cả ba gian. Kiến trúc Phật điện gồm một gian hai chái, hai hiên hai bên được làm mới hoàn toàn. Tòa thượng điện kết cấu theo nền hình vuông, có bốn cột cái lớn ở giữa, 12 cột quân xung quanh, do đó hai vì chia gian đều thuộc gian giữa. Kết cấu khung gỗ đỡ hai mái chính ở đằng trước và đằng sau, và hai mái bên, toàn bộ trọng lượng mái chuyển qua cột xuống nền nhà. Mái tỏa ra bốn phía, lan xuống thấp với các đầu đao vươn thành những đóa hoa ở bốn góc cong hất lên. Tiền đường và hậu tổ kết cấu theo hình chữ nhật, dài hơn chánh điện để tạo nét uyển chuyển cho không gian tổng thể.

Kết cấu kiến trúc này theo lối điển hình chùa ở miền Bắc, có bốn cột to ở giữa, tạo thành bộ vì theo kiểu giá chiêng gồm một câu đầu tỳ lực lên hai đầu cột cái. Các cột cái nối với nhau bằng những câu đầu to trên đỉnh, các cột quân nối với cột cái bằng xà nách. Bên trên câu đầu, có gắn một bộ phận gọi là giá chiêng, bộ phận này gồm hai trụ chống đỡ một bộ phận nối gọi là bụng lợn. Các bộ khung giá chiêng có tác dụng giữ cho con chồng hai bên vững chắc và góp phần chống đỡ mái. Ở giữa khung giá chiêng có lắp thêm ván bưng trang trí. Từ cột cái nối với cột quân có xà nách nằm ngang, bên trên là các con rường chồng lên nhau qua các đấu kê. Từ cột quân ra ngoài hiên, đầu bẩy được chúc xuống theo độ dốc mái. Phía trên xà nách ngang và dọc có những bức cốn hình vuông là nơi hội tụ tinh hoa trang trí của toàn bộ ngôi chùa. Giữa hai cột cái có trang trí rèm điêu khắc bằng gỗ sơn thiếp tạo nên nét cổ điển trong cách trang trí nội điện.

Môtíp hoa văn trang trí bên ngoài tuy đơn giản nhưng rất thẩm mỹ, vì mới làm sau này nên hoàn toàn được sử dụng bằng chất liệu xi măng sắt thép. Mái lợp bằng ngói móc Hạ Long (mới hoàn toàn), đỉnh được trang trí bởi các hình đắp Tứ linh, các góc mái đều có đầu dao cong hất lên, tất cả đều làm bằng xi măng không sơn. Ở nóc cao nhất có lưỡng long chầu pháp luân, các vật linh quy, phụng, lân và các kiểu hoa sen được phân bố một cách hợp lý tạo nên vẻ đẹp chuẩn mực mang tính ước lệ. Trước tiền đường có các trụ đắp câu đối cũng bằng xi măng và giả sơn thiếp để hài hoà với bộ khung cửa bằng gỗ (cũ) đi vào chánh điện. Các chi tiết này được làm theo kiểu hoa văn trang trí chùa Huế, tuy rất đơn giản nhưng nó vẫn bộc lộ được tính chất cung đình trong lối xây dựng chùa chiền miền Trung. Tuy chùa được tu bổ lại theo kiểu pha trộn chắp vá nhưng vẫn thể hiện được chất hài hoà, uyển chuyển mạng đậm dấu ấn phong cách kiến trúc giữa hai miền Bắc-Trung. Hiện tại, hai bên tiền đường đang được xây thêm lầu chuông và lầu trống.

Về hệ thống tượng thờ trong nội điện được bố trí theo kiểu phổ biến ở chùa miền Bắc. Các pho tượng ở đây được chuyển từ Bắc vào nên rất khác so với kiểu tượng thường thấy ở miền Trung. Đa số các tượng đều có tuổi thọ trên 100 năm, được đắp bằng đất nung đặt biệt trộn với vỏ lúa. Không biết bên trong còn có chất liệu gì khác mà hầu hết các tượng rất nặng. Đường nét điêu khắc và màu sơn các tượng theo phong cách tượng cổ. Một số tượng bị hỏng nặng đã sửa chữa và sơn lại nhưng vẫn giữ được tính nguyên mẫu của nó. Về hình thức, hầu hết các tượng ở đây điều phân định theo kiểu nhất diện phân tam trùng, tạo nên sự cân đôi trang nghiêm đạt mức chuẩn mực ở mỗi pho tượng. Cách bài trí tượng thờ trong nội điện chùa Liên Hoa về cơ bản giống như cách bố trí thông thường ở các chùa Bắc. Cao nhất trên cùng thờ Tam Thế Phật, hàng ở giữa thờ Tam thân đức Thích Ca Mâu Ni Phật, hàng thứ ba thờ Di Đà Tam Tôn, xuống nữa là tượng Chuẩn Đề thiên thủ thiên nhãn, phía trước có một tượng Di Lặc rất lớn dựng ngay ở giữa chánh điện. Bàn thờ bên phải tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm và bên trái là tượng Bồ tát Địa Tạng. Ở đây không có tượng Đản Sanh cửu long như chúng ta vẫn thường thấy ở các chùa Bắc khác. Dọc theo hai bên tường từ trong chánh điện ra tới tiền đường thờ các tượng Tứ Thiên Vương, Phạm Vương Đế Thích, Thập Bát La Hán, Long Thần, Hộ Pháp, Tiêu Diệu… tất cả đều được bố trí sát tường để tạo khoảng trống cho việc hành lễ bái sám. Bên cạnh đó hai hiên hai bên chánh điện còn có những pho tượng rất lạ mà người viết chưa biết rõ là tượng gì. Phần hậu tổ thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma, di ảnh và long vị của Thầy chúng tôi. Chùa Liên Hoa có đến trên 40 pho tượng lớn nhỏ khác nhau, tất cả được đều bố trí theo hiệu ứng viễn thị sân khấu, tạo nên một không gian tâm linh vừa cổ kính thiêng liêng vừa có chiều sâu nghệ thuật.

Chùa Liên Hoa chưa có cổng Tam quan, ngoài khu chánh điện nói trên chỉ có thêm một gian nhà nhỏ ở bên trái. Phía bên phải đang thi công dựng tượng Quán Thế Âm bằng xi măng cốt thép cao hơn 10 mét, trước tượng dự định xây một hồ sen nhỏ. Từ sân trước nhìn ra là bờ vực cao so với con suối Lương uốn cong mền dẻo. Phía trước lầu chuông lầu trống còn có thêm hai gác đình nhỏ bằng gỗ (cũ) thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng (mới) theo kiểu tượng miền Trung. Đường lên chùa rất dốc và khá cao, bậc cấp được xây bằng đá. Từ khu Du lịch Suối Lương ngang qua con suối bằng một cây cầu treo thơ mộng mới đến được bậc cấp đi lên chùa.

Bố cục tổng thể của ngôi chùa được gói gọn trong một không gian rộng lớn của sườn núi phía Nam ngọn Hải Vân, tạo nên một nét chấm phá lý thú cho toàn bộ khung cảnh nơi đây. Không gian quanh chùa khá yên tĩnh, không quá xa đô thị mà cũng không quá gần, Liên Hoa tự quả là một nơi lý tưởng để khám phá cảnh trí thiên nhiên cũng bổn tâm của con người./.

Tăng sinh thực hiện: Thích Nguyên Hiền

Thế danh: Phan Thanh Bảy


Leave a comment

Categories